Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sống thể hiện trong các câu sau:
- Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
(trích Giục giã - Xuân Diệu)
- Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh dù trong một phút giây
(trích Đi - Tố Hữu)
- Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
(trích Để gió cuốn đi (ca từ) - Trịnh Công Sơn)
Bài viết:
Có lúc nào ta tự ngồi lại, nghĩ về cuộc đời này, và suy xét xem ta đã sống như thế nào? “Sống” là một từ nhiều nghĩa lắm, nhưng hiểu đúng nó chắc ít người làm được, bởi lẽ, cuộc sống kéo dài vô tận nhưng sự sống của con người thì lại hữu hạn, nhất thời, ta không thể đi đến tận cùng cuộc sống để hiểu hết ý nghĩa chữ “sống”. Vậy nên, để cho sự sống ngắn hạn của con người có ý nghĩa, đừng vội chạy theo hư danh, mưu toan lợi ích, hãy chân trọng từng phút giây, làm nhiều việc có ích, sống tung hoành, sống thanh cao, sống có mục đích, có như vậy mới xứng đáng cho sự có mặt của ta trên cuộc đời này!
Một nhà văn từng nói “Hãy sống sao để khi ta nhắm mắt, mọi người khóc còn ta thì cười”, vậy làm thế nào để mỉm cười được khi về nơi chín suối, đã có lúc nào ta nghĩ tới điều đó?
Tôi đã đọc “Giục giã” của Xuân Diệu, ông viết:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Tôi cũng đọc “Đi” của Tố Hữu:
“Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh dù trong một phút giây”
Và hát “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn:
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”
Những vẫn thơ, những ca từ hay, nhiều ý nghĩa lắm, ngẫm lại một chút, nó không chị đơn thuần là những dòng văn, câu chữ, lời ca mà con là “lời gan ruột” của những văn nhân, thi sĩ nặng lòng với cuộc đời, khát khao xây dựng một “cuộc sống có ý nghĩa”.
Ta có thể thấy rõ, mỗi nhà thơ, nhạc sĩ lại ở một thời kì khác nhau, Xuân Diệu là nhà thơ của phong trào thơ mới, thơ ông giàu chất lãng mạn, vào cái thời đất nước còn chìm đắm trong mê muội của thực dân phong kiến, khắp nơi “buồn le lói”, chính vì vậy, quan điểm sống của Xuân Diệu là “Thà một phút huy hoàng” để rồi “chợt tắt” hơn “buồn le lói” đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cách sống của Xuân Diệu là cách sống tận hiến, với khát vọng được làm chuyện lớn lao có ích cho đời cho mình, để có được những giây phút vinh quang, chói sáng, không chịu nhục nhã trong cảnh tối tăm đến hết cuộc đời.
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, thơ ông giàu chất “cách mạng”, lúc này, khi đã có tiếng gọi cứu non sông của Đảng, của Hồ Chí Minh, đất nước sôi sục trong một vận hội mới – vận hội cứu nước, lí tưởng con người trong thời kì này là đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giống nòi, chính vì vậy, trong tác phẩm “Đi”, Tố Hữu đã bộc bạch lẽ sống “Sống trong sạch cao thượng, mạnh mẽ hào hùng giữa “sóng gió” cuộc đời và hướng theo cái mới. Khác với cách sống cũ: thụ động, buông xuôi, cam chịu, ươn hèn...” Là trai đứng giữa đất trời, phải có danh gì với núi sông, ấy chính là lẽ sống cao thượng của một con người cách mạng, sẵn sàng đạp bằng chông gai, vươn tới ánh sáng chân lí, chứ nhất định không chịu luồn cúi, thụt lùi… “Sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng!!!”
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nhạc trữ tình nổi tiếng đoạn cuối thế kỉ XX, nhạc ông giàu ý nghĩa, đậm chất thơ, ông viết “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”, chỉ một câu đơn giản vậy thôi nhưng mang nhiều nội hàm ý nghĩa lắm, câu hát gửi gắm một lẽ sống, cách sống “Sống với một tấm lòng chân thật yêu thương, mở ra phía tha nhân ; sống trong tình thân ái, biết cảm thông, chia sẻ...”
Tựu chung lại, dù là nhà thơ đầu phong trào thơ mới, nhà thơ cách mạng hay nhạc sĩ nhạc trữ tình, nhưng qua những câu thơ, những lời hát trên ta có thể nhận thấy một triết lí nhân sinh quan sâu sắc và đúng đắn “Dù là ai, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào hãy cố gắng sống, trân trọng từng phút giây để sống, hãy tỏa sáng như chưa bao giờ được tỏa sáng, dù chỉ ngắn ngủi trong giấy phút, hãy đạp bằng mọi chông gai vươn tới ngày mai tươi đẹp, hãy sống vì người khác, sống thanh cao, nhân ái, cảm thông, chia sẻ… Có như vậy mới xứng đáng được sinh ra trên cuộc đời!”
Nguyễn Tuân từng dùng từ “lờ mờ, lẹt đẹt, luộm thuộm” để ám chỉ những kẻ sống vô vị, sống không ý nghĩa, sống lay lắt nay đây mai đó “như những bóng ma”, đó không gọi là sống, nó chỉ coi như một sự “tồn tại” vô nghĩa trên cuộc đời, các cụ ta có câu “Làm trai cho đáng nên trai” ý muốn dạy phải sống xứng đáng với bản thân mình, đừng sống vô nghĩa trong cuộc đời, đó chính là lẽ sống của những người có hoài bão, chí hướng lớn.
Nhưng cuộc sống đâu đơn giản, nhiều khi con người phải “quăng thân vào gió bụi” chịu những “trận gió rét cắt da”  những “Cơn chấn động” đủ sức làm lung lay ý chí, tuy nhiên đừng ngại chùn bước, dũng cảm bước qua khó khăn cũng chính là một “cách sống” của những người có lí tưởng lớn, hãy nhớ “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, nếu anh không đủ sức bước qua khó khăn, anh sẽ bị cuộc sống đè bẹp, nếu đủ dũng cảm “đi qua sóng gió”, cuộc sống sẽ là của anh, sẽ đến lúc anh được tận hưởng thành quả từ những khó khăn đó.
Sau những “sóng gió cuộc đời” ta lại tìm về được chốn bình yên của cuộc sống, ta lại được hưởng thụ những thành quả của những gắng sức trước đây đem lại. Tuy nhiên, không vì vậy mà ta ngừng phấn đấu, một cuộc sống có ý nghĩa không phải là lo nghĩ cho mình mà còn phải biết sẻ chia, yêu thương người khác nữa, Khổng Tử dạy “Người quân tử, lo trước nỗi lo của thiên hạ, buồn trước nỗi buồn của thiên hạ”, “sống có tấm lòng”, sẻ chia, cảm thông, yêu thương, đùm bọc người khác, trải lòng để yêu thương, chia sẻ, “để gió cuốn đi” đến với mọi người gần xa, không tính toán vị kỉ chính là đạo lí rất đáng được ngợi ca.
Tuy nhiên, “Phút huy hoàng” trong cuộc đời thật quý và có ý nghĩa ; nhưng không thể vì thế mà đánh đổi cả phần đời còn lại. Con người không chỉ tỏa sáng trong chốc lát rồi vụt tắt. Đời người có lúc thăng hoa, có lúc trầm lắng và cũng khó tránh khỏi những lúc “le lói” buồn đau. Cũng có nhiều người sống âm thầm nhưng có ích cho xã hội. Nhưng cái đáng trân trọng là khát vọng được cháy hết mình, được tận hiến cho đời, cho người, đừng vội cháy hết mình để rồi sau khí “cháy hết dầu” thì “không còn đồ thắp sáng”...
Và cũng không phải lúc nào cũng sống mạnh, sống hùng dũng, sống mà cứ đi tìm khó khăn để đạp bằng ; có lúc cần lắng lòng trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, tình người, cần sống chậm lại để tận hưởng những thành quả của khó khăn mà mình vượt qua...
Đương nhiên, cũng không phải lúc nào cũng giao đãi với người bằng tình yêu thương, phải biết phẫn nộ và đấu tranh với cái xấu, cái ác. Mở lòng ra với mọi người song phải biết trân trọng giá trị cuộc sống của chính mình.
Sống mà làm được những điều như vậy thật đáng sống.
Lịch sử hay cuộc đời đều ghi nhận những tấm gương của “Sóng ý nghĩa”, Thời vua Lê Thần Tông, có sứ thần Giang Văn Minh đi sứ nhà Minh, vua Minh nhiều lần thử tài, ông không ngại cường quyền, ứng đối linh linh hoạt, nhất quyết không để vua quan bên Tàu làm nhục quốc thể, nổi tiếng với vế đối:
“Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc
Bách Đằng thuở trước máu còn loang”
Khiến Vua Minh tức giận sai người hại chết, vua Lê đến trước linh cữu ông mà khóc rằng “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống!!!”
Câu chuyện về sứ thần Giang Văn Minh là một điển hình của lẽ sống, sống có hoài bão, sống có ý chí, dù tỏa sáng trong gang tấc trước vua quan nhà Tàu rồi bị hại chết, nhưng bằng ý chí thép của ông đã đè bẹp sự huênh hoang bọn giặc Bắc, bảo vệ uy danh nước nhà, thật đáng khâm phục.
Ngày nay, khi đạo đức con người suy đồi đang là câu hỏi lớn làm đau đầu các nhà quản lí, khi xã hội đã quá văn minh khiến nhiều giá trị truyền thống bị lu mờ, ta vẫn nên tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp sẽ đến nếu như xã hội còn những con người như những “ông Tây, ông Nhật” yêu Hà Nội, yêu Việt Nam, ngày ngày đi quanh hồ Hoàn Kiếm nhặt rác, những anh Cảnh sát giao thông Thái Bình xuống gặt lúa giúp dân chạy lụt, như Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng luôn nặn lòng với dân nghèo, quyết tâm đẩy lùi bọn tham quan hại nước, nhũng nhiễu dân, như những thầy cô giáo tình nguyện về miền núi hải đảo dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc… Những con người đó, những cuộc đời đó, dù ở đỉnh cao danh vọng, dù ở nơi tận cùng tổ quốc hay chỉ là công dân bình thường những những gì họ làm thật phi thường, đáng khâm phục, kính trọng và cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, ta vẫn còn có thể thấy những kẻ tám tận lương tâm, làm ô uế cuộc đời như Nguyễn Hải Dương giết người cướp của, những “ông quan phường” suốt ngày ngồi bàn giấy, hạch sách nhân dân, những kẻ trộm cướp ở Sài Gòn làm nhân dân hoang mang, khách nước ngoài e sợ… Những người như vậy thật đáng lên án, thật đáng bị trừng phạt…
Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần chung tay xây dựng cuộc sống, sống có ý nghĩa, sống vì người khác. Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia “đáng sống’ nhất trên thế giới.
Cuộc sống vô tận, con người lại tồn tại hữu hạn, đừng để phung phí một ngày, hãy sống cho tuổi trẻ tươi đẹp, hãy vì tương lai đất nước, hãy để ta trở thành tấm gương sáng đẹp về lẽ sống cho con cháu ta mai sau, hãy sống để sao cho khi hấp hối trên giường bệnh, ta có thể vui vẻ mỉm cười trước sự đau thương của mọi người xung quanh, khi ấy, ta hãy nói một câu cuối cùng trước khi tạm biệt nhân thế “Tôi đã sống, sống đúng nghĩa, sống hạnh phúc, mọi người đùng buồn!!!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét